Chào mừng đến Trang Tin Điện Tử Chi Cục Kiểm Lâm Lạng Sơn                 Chào mừng đến Trang Tin Điện Tử Chi Cục Kiểm Lâm Lạng Sơn                  Chào mừng đến Trang Tin Điện Tử Chi Cục Kiểm Lâm Lạng Sơn                 Chào mừng đến Trang Tin Điện Tử Chi Cục Kiểm Lâm Lạng Sơn

Sử dụng PTR

Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng – nguồn thu mới nhiều tiềm năng cho người dân sống bằng nghề rừng

18-07-2022 08:57

 

Mặc dù tỉnh Lạng Sơn bắt đầu thu tiền dịch vụ môi trường rừng từ năm 2018, đến tháng 4 năm 2020 mới bắt đầu thành lập Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh. Tuy nhiên nguồn thu đã tăng lên đáng kể để chi trả cho các chủ rừng trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê hàng năm có hơn 33.000 chủ rừng được nhận tiền dịch vụ môi trường rừng với tổng số tiền trên 3 tỉ đồng. Nguồn thu này góp phần nâng cao thu nhập cho người dân sống phụ thuộc vào nghề rừng, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống của người dân, giảm áp lực chặt phá rừng tự nhiên.

Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn áp dụng hình thức chi trả gián tiếp, các đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường rừng ủy thác qua Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh để tiến hành chi trả cho các chủ rừng.

Các chủ rừng được nhận tiền dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn chiếm 99% là các hộ gia đình, cá nhân. Số tiền này ngoài góp phần cải thiện, nâng cao đời sống cho người dân còn giúp người dân mua thêm cây giống để trồng rừng, mua sắm trang thiết bị bảo vệ rừng hiệu quả hơn. Ý thức bảo vệ rừng của người dân được nâng cao, nhiều bà con vùng sâu, vùng xa đã ý thức được tầm quan trọng của rừng đối với đời sống, môi trường. Một số thôn đã họp, bàn thống nhất không nhận tiền dịch vụ môi trường rừng theo mỗi cá nhân mà để lại toàn bộ số tiền nhận được thành lập quỹ thôn để sử dụng phục vụ công tác quản lý bảo vệ rừng chung cho cộng đồng.

Tổng diện tích được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng hàng năm là trên 310.000 ha chiếm gần 60% diện tích có rừng toàn tỉnh. Hàng năm Ngân sách Trung ương phân bổ về cho tỉnh Lạng Sơn để thực hiện công tác khoán quản lý bảo vệ rừng giao động từ 20.000 – 40.000 ha. Như vậy có thể thấy chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng góp phần không nhỏ để bảo vệ diện tích rừng hiện có.

Hội nghị triển khai chi trả dịch vụ môi trường rừng tại huyện Bình Gia

Tuy vậy, bên cạnh những mặt tích cực, trong quá trình thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng hiện vẫn còn những bất cập, vướng mắc. Thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam, để đảm bảo công khai, minh bạch khi chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng phải thực hiện bằng hình thức phi tiền mặt qua tài khoản ngân hàng, giao dịch thanh toán điện tử. Việc này triển khai trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn còn gặp nhiều khó khăn do tiện tích cung ứng lớn, số lượng chủ rừng nhiều, đơn giá chi trả trên một đơn vị diện tích thấp, dẫn đến số tiền chi trả bị xé lẻ, mặt khác việc mở tài khoản cho các chủ rừng ở các địa bàn vùng sâu vùng xa gặp nhiều khó khăn, nhận thức còn nhiều hạn chế, số tiền nhận được ít nhưng chi phí duy trì tài khoản cao, cơ sở hạ tầng của các đơn vị nhận ủy thác chi trả tiền cho người dân chưa đáp ứng được đến các điểm vùng sâu vùng xa. Do đó các hộ gia đình nhận được số tiền dịch vụ môi trường rừng thấp đã thống nhất “mượn” tài khoản của nhóm hộ, trưởng thôn, UBND xã để nhận tiền dịch vụ môi trường rừng từ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, dưới sự giám sát của Hạt Kiểm lâm huyện, UBND xã, trưởng thôn để chi tiền cho các chủ rừng.

  

Hạt Kiểm lâm huyện Tràng Định giám sát việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng

 

 

Tuy nhiên, tiềm năng về nguồn thu của tỉnh Lạng Sơn lại tương đối phát triển, trong thời gian tới nguồn thu sẽ tăng dần qua các năm do các đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường rừng đi vào hoạt động, các đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường rừng tiềm năng trong thời gian tới như: Khu du lịch sinh thái cáp treo Mẫu Sơn, Thủy điện Bản Nhùng Kỳ cùng 6, Thủy điện Tràng Định 2…Mặt khác trong thời gian tới sẽ áp dụng thêm nguồn thu từ loại hình sử dụng dịch vụ môi trường rừng “hấp thụ và lưu giữ Cacbon” đối với các đơn vị sản xuất kinh doanh có lượng phát thải khí nhà kính lớn, các đơn vị tiềm năng đối với loại hình dịch vụ này như: Nhà máy nhiệt điện, Nhà máy sản xuất Xi-măng, các cụm, khu Công nghiệp…sẽ mang lại nguồn thu không nhỏ cho các chủ rừng, góp phần quản lý bảo vệ rừng bền vững./.

                                                  Tác giả: Phạm Trung Hiếu

                                                          Phòng Sử dụng và Phát triển rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lạng Sơn

 

 

Tin liên quan