Cần nghiên cứu, phát triển mô hình trồng nấm lim dưới tán rừng tự nhiên
24-02-2023 08:25
Nấm lim là loại dược liệu nổi tiếng của tỉnh Lạng Sơn với nhiều công dụng trong chăm sóc sức khỏe và điều trị bệnh. Những năm gần đây, nhu cầu của thị trường đối với loại nấm này ngày càng cao. Trồng nấm lim dưới tán rừng tự nhiên là ý tưởng vừa đáp ứng nhu cầu thị trường vừa phát huy thế mạnh của một số khu vực trong tỉnh, tăng thu nhập cho người dân.
Trồng nấm lim dưới tán rừng tự nhiên (trong đó ưu tiên trồng trên diện tích rừng tự nhiên có cây lim mọc rải rác) là ý tưởng của anh Lục Tiến Dũng, kiểm lâm viên Phòng Sử dụng và Phát triển rừng, Chi cục Kiểm lâm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham gia Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2022 do UBND tỉnh tổ chức. Ý tưởng được trao giải chuyên đề và được Ban Giám khảo đánh giá có tính khả thi, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân trên địa bàn tỉnh.
Nấm lim được thu hái tại huyện Đình Lập phục vụ nghiên cứu
Đã có nhiều nghiên cứu chứng minh nấm lim có tác dụng trong điều trị các bệnh về gan, tai biến mạch máu não, bệnh gout, hỗ trợ điều trị ung thư và một số loại bệnh lý khác. Trên thị trường giá nấm lim dao động từ 500.000 – 1.200.000 đồng/kg khô. Do có giá trị kinh tế cao nên thời gian qua, nấm lim tự nhiên bị khai thác quá mức. Để đáp ứng nhu cầu sử dụng nấm lim trong điều trị bệnh và chăm sóc sức khỏe của người dân thì ứng dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật để nuôi trồng nấm lim là điều cần thiết.
Anh Lục Tiến Dũng cho biết: Qua nghiên cứu tại khu vực có nấm lim phát triển mạnh (huyện Đình Lập) cho thấy, việc trồng nấm lim dưới tán rừng tự nhiên có nhiều thuận lợi như: Giá thể để trồng nấm là những cây gỗ lim đã mục dễ kiếm, tận dụng được các điều kiện vốn có của rừng tự nhiên, nguồn vốn đầu tư thấp, phù hợp với gia đình có mức vốn đầu tư còn hạn chế. Trong năm 2021 và 2022, tôi đã theo dõi sự sinh trưởng, phát triển của nấm lim và thử nghiệm trồng nấm trên giá thể cây lim mục để làm cơ sở phát triển thành mô hình sản xuất.
Nấm lim phát triển trong tự nhiên trên những cây gỗ lim mục nên sử dụng nguồn nguyên liệu này làm giá thể sẽ đảm bảo sản phẩm nuôi trồng có những dược tính đặc trưng của nấm lim tự nhiên. Để trồng nấm lim dưới tán rừng tự nhiên thì cần môi trường phù hợp với đặc tính sinh thái, giống nấm cần được phân lập và nuôi cấy bước đầu tại phòng thí nghiệm, điều này nhằm đảm bảo nguồn giống đúng chủng loại, sạch bệnh. Gỗ lim mục được thu thập để tạo giá thể nuôi cấy nấm và tiện chăm sóc, thu hái. Khoan tạo lỗ trên thân gỗ rồi tiến hành cấy giống nấm vào các lỗ đã khoan, dùng phôi gỗ để làm nắp đậy, đậy kín lỗ đã cấy giống nhằm tạo môi trường ổn định cho nấm phát triển và hạn chế vi sinh vật có hại xâm nhập.
Thời gian phát triển từ sợi nấm đến khi cho thu hoạch trồng trên thân gỗ khoảng 12 tháng. Khi sợi nấm bao khắp bề mặt khúc gỗ sẽ phát triển thành cây nấm và cho thu hoạch lâu dài. Ưu điểm của phương pháp nuôi trồng nấm lim dưới tán rừng tự nhiên là có các điều kiện phát triển hoang dã như độ ẩm, ánh sáng, môi trường được đảm bảo, người trồng mất ít công chăm sóc, chu kỳ thu hoạch kéo dài. Cách làm này không chỉ tận dụng được nguồn nguyên liệu là cây lim mục trong rừng mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Anh Vi Văn Tuấn, thị trấn Đình Lập, huyện Đình Lập cho biết: Trước đây, nấm lim tự nhiên sẵn có nhưng đến nay thì rất hiếm. Mỗi khi có nhu cầu, tôi phải đặt hàng người quen ở khu vực có rừng lim vài tháng mới có thể mua được 1 – 2 kg để sử dụng. Mong rằng sớm có cách để người dân có thể sản xuất được loại nấm này đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong chăm sóc sức khỏe và điều trị bệnh của người dân.
Theo tác giả Lục Tiến Dũng, ngoài sử dụng gỗ lim mục để sản xuất nấm lim thì có thể sử dụng mùn cưa hoặc thân của các loại gỗ không có tinh dầu như: keo, sau sau, dẻ… làm giá thể trồng nấm lim. Tại một số địa phương lân cận của tỉnh Lạng Sơn như: huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh), Sơn Động (Bắc Giang) đã sản xuất thành công nấm lim trên giá thể mùn cưa cây keo trong môi trường nhân tạo. Việc sử dụng gỗ lim mục làm giá thể trồng nấm lim sẽ tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt.
Việc nghiên cứu của tác giả mang lại kết quả tích cực xong mới chỉ ở quy mô nhỏ, để sản xuất đại trà thì cần có sự vào cuộc của cơ quan liên quan, ứng dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật trong nuôi cấy giống và xây dựng quy trình sản xuất. Nuôi cấy nấm lim trên giá thể sẵn có trong rừng, hoặc giá thể cây keo, sau sau, dẻ dưới tán rừng tự nhiên không chỉ nâng cao thu nhập cho người dân mà còn góp phần bảo tồn nguồn gen dược liệu quý của tỉnh.
Theo nguồn: Thục Quyên – Báo Lạng Sơn