Quản lý Bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên
Trồng cây sa nhân tím dưới tán rừng đề tài khoa học mang tính ứng dụng cao đem lại hiệu quả kinh tế tại huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn
04-03-2022 09:02
Tháng 7 năm 2018, Chi cục Kiểm lâm đã đăng ký, chủ trì và thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học: “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ nhân giống và xây dựng mô hình trồng Sa nhân tím tại tỉnh Lạng Sơn” với mục tiêu ứng dụng khoa học công nghệ nhân giống sa nhân tím bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào, phương pháp tách chồi và hoàn thiện quy trình kỹ thuật nhân giống, trồng, chăm sóc sa nhân tím, đồng thời xây dựng các mô hình trồng sa nhân tím.
Tháng 7 năm 2018, Chi cục Kiểm lâm đã đăng ký, chủ trì và thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học: “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ nhân giống và xây dựng mô hình trồng Sa nhân tím tại tỉnh Lạng Sơn” với mục tiêu ứng dụng khoa học công nghệ nhân giống sa nhân tím bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào, phương pháp tách chồi và hoàn thiện quy trình kỹ thuật nhân giống, trồng, chăm sóc sa nhân tím, đồng thời xây dựng các mô hình trồng sa nhân tím. Qua khảo sát, Chi cục Kiểm lâm đã lựa chọn xã Kiên Mộc, huyện Đình Lập là địa điểm tách chồi Sa nhân tím để nhân giống, xã Đình lập là nới thực hiện trồng thử nghiệm các mô hình. Kết quả, đã triển khai 02 mô hình trồng trong nhà lưới với diện tích 100m2/mô hình tại thôn Kéo Khuế, xã Đình Lập và 02 mô hình trồng dưới tán rừng với diện tích 1.000m2/mô hình, một mô hình trồng Sa nhân tím từ cây giống tách chồi và một mô hình trồng bằng cây giống được nuôi cấy mô tại thôn Bản Chuông, xã Đình Lập. Cây Sa nhân tím trồng bằng cây giống tách chồi tại các mô hình trồng dưới tán rừng và trong nhà lưới phát triển rất tốt, bước đầu ra hoa kết quả 02 vụ/năm vào tháng 6 và tháng 10/2021.
|
|
Cây Sa nhân tím sai quả tại các mô hình
|
Cây Sa nhân tím phát triển tốt dưới tán rừng
|
Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn hiện nay, cây Sa nhân được cho là xuất hiện ở khá nhiều nơi. Tuy nhiên qua điều tra nhận thấy chúng phân bố tập trung và chủ yếu ở huyện Đình Lập và một ít ở huyện Lộc Bình. Về giá trị sử dụng cây Sa nhân được người dân sử dụng nhiều chủ yếu là để làm thuốc và gia vị… Sa nhân có vị cay, mùi thơm, tính ấm, tác dụng vào 3 kinh thận , tỳ, vị, tác dụng ôn trung, hàn khí, chỉ thống, khai vị, tiêu thực, an thai. Ngoài ra hạt Sa nhân còn dùng làm gia vị, tinh dầu Sa nhân dùng trong kỹ nghệ mỹ phẩm. Tuy nhiên Sa nhân được người dân khai thác và sử dụng chủ yếu là Sa nhân tự nhiên mọc dưới tán rừng. Chỉ có một số ít diện tích được người dân trồng và khai thác. Sa nhân là loại dược liệu có giá trị cao nên bị người dân địa phương khai thác kiệt quệ, khó có khả năng hồi phục.
Tập huấn kỹ thuật nhân giống, trồng chăm sóc Sa nhân tím
tại thôn Bình Chương 2, xã Đình Lập (Ngày 29/10/2021)
Theo bà Trần Thị Viên, Kiểm lâm viên, phòng Quản lý bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên, Chi cục Kiểm lâm, chủ nhiệm đề tài“Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ nhân giống và xây dựng mô hình trồng Sa nhân tím tại tỉnh Lạng Sơn” cho biết: Hiện nay để tiến hành gây trồng Sa nhân người dân thường vào rừng và đào lấy giống từ tự nhiên mang về gây trồng nên ảnh hưởng rất lớn đến đa dạng sinh học và phá vỡ kết cấu rừng, mặt khác không chủ động được nguồn giống, số lượng giống cung cấp không đủ cho nhu cầu phát triển mô hình vườn rừng của người dân. Một số nơi người dân mua giống Sa nhân từ Trung Quốc mang về trồng, tuy nhiên giống Sa nhân từ Trung Quốc rất nhanh bị thoái hóa, chỉ sau 1 đến 2 mùa thu hoạch quả và đặc biệt giá thành rất cao, giống không được kiểm nghiệm về chất lượng và sâu bệnh hại.
Bằng kinh nghiệm và dựa trên kết quả triển khai thực hiện đề tài, Ban quản lý đề tài đã tổ chức mở lớp tập huấn kỹ thuật nhân giống, kỹ thuật trồng và chăm sóc Sa nhân tím cho các hộ dân tại thôn Bình Chương 2, xã Đình Lập. Tại buổi tập huấn người dân được hướng dẫn cụ thể cách nhân giống Sa nhân tím bằng phương pháp tách chồi, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây Sa nhân tím dưới tán rừng, trong nhà lưới đồng thời giải đáp các thắc mắc của người dân trong phạm vi nội dung tập huấn.
Từ những hiệu quả bước đầu trong triển khai ứng dụng thực hiện đề tài trồng cây Sa nhân tím dưới tán rừng tại huyện Đình Lập, trong thời gian tới cây Sa nhân tím hứa hẹn sẽ là một trong những loại cây dược liệu đem lại hiệu quả kinh tế, tạo nguồn dược liệu, tăng hiệu quả và sử dụng đất bền vững, góp phần tăng thu nhập cho người dân có rừng trên địa bàn huyện.
Bài, ảnh: Vi Hiền
(phòng Tổ chức, TT và XDLL - Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lạng Sơn)