KIỂM LÂM LẠNG SƠN - 50 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN
10-05-2023 08:32
Nhận thức được tầm quan trọng của rừng đối với công cuộc xây dựng đất nước, ngày 11/9/1972, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh số 14/LCT Quy định việc bảo vệ rừng. Pháp lệnh này đã được Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua ngày 6/9/1972. Tại Điều 16 Pháp lệnh quy định: “Tổ chức lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng gọi là Kiểm lâm nhân dân”. Đến ngày 21/5/1973, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 101/CP Quy định hệ thống tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của lực lượng Kiểm lâm nhân dân. Từ đó lực lượng Kiểm lâm Việt Nam chính thức ra đời.
Lực lượng Kiểm lâm tỉnh Lạng Sơn được thành lập theo Quyết định số 53-QĐ ngày 15/01/1974 của Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, với tên gọi Chi cục Kiểm lâm nhân dân Lạng sơn. Trong quá trình xây dựng và phát triển, tổ chức của lực lượng Kiểm lâm Việt Nam nói chung và của lực lượng Kiểm lâm Lạng Sơn nói riêng có nhiều biến động.
Trụ sở Chi cục Kiểm lâm Lạng Sơn
- Giai đoạn từ năm 1973 đến năm 1979: Thực hiện Nghị định 101/CP ngày 21/5/1973 của Hội đồng Chính phủ, lực lượng Kiểm lâm nhân dân được tổ chức thành hệ thống trong ngành lâm nghiệp từ Trung ương đến cấp huyện. Khi mới thành lập, tổ chức bộ máy của Chi cục Kiểm lâm nhân dân Lạng Sơn gồm: Lãnh đạo Chi cục và các Phòng: Phòng Nghiệp vụ, kỹ thuật; Phòng Pháp chế - tố tụng; Phòng Chính trị và tổng hợp; Phòng Kế toán hậu cần và 01 Đội Kiểm soát lưu động; ở cấp huyện thành lập 09 Hạt Kiểm lâm nhân dân gồm các huyện: Hữu Lũng, Chi Lăng, Cao Lộc, Lộc Bình, Tràng Định, Bình Gia, Bắc Sơn, Văn Quan, Văn Lãng và 01 Hạt Kiểm soát lâm sản tại Thị xã Lạng Sơn trực thuộc Chi cục Kiểm lâm. Đầu năm 1974, đồng loạt các Hạt Kiểm lâm thuộc Chi cục Kiểm lâm nhân dân Lạng Sơn làm lễ ra mắt, chính thức đi vào hoạt động. Những năm đầu mới thành lập, trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và bảo vệ biên giới của Tổ quốc rất gay go, quyết liệt; hoạt động của lực lượng Kiểm lâm gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn cả về tinh thần và vật chất phục vụ cho công tác, sinh hoạt của cán bộ chiến sỹ Kiểm lâm.
- Giai đoạn từ năm 1980 đến năm 1994: Thực hiện Nghị định 386/CP ngày 08/10/1979 của Hội đồng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Nghị định số 101/CP quy định hệ thống tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Kiểm lâm nhân dân; Thông tư số 32/TCCB ngày 04/9/1982 của Bộ Lâm nghiệp hướng dẫn xây dựng và kiện toàn các lực lượng quản lý bảo vệ rừng. Theo đó, ở cấp tỉnh Chi cục Kiểm lâm trực thuộc Ty Lâm nghiệp, tổ chức bộ máy gồm lãnh đạo Chi cục và các Phòng: Pháp chế - kiểm thu; Quản lý bảo vệ rừng; Tổ chức hành chính kế toán tổng hợp. Ở cấp huyện, Hạt Kiểm lâm trực thuộc phòng Nông lâm nghiệp. Trong giai đoạn này lực lượng Kiểm lâm được điều chuyển 30-50% về các Lâm trường, Nông Lâm trường, Liên hiệp công nghiệp khai thác và chế biến lâm sản….Trong suốt 15 năm (1980 – 1994), tổ chức Kiểm lâm không thống nhất và không thành hệ thống từ Trung ương đến huyện. Công tác quản lý, bảo vệ rừng ở vào giai đoạn “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, từ việc giải thể các Trạm Kiểm soát lâm sản trên quốc lộ đến việc đưa Kiểm lâm vào các cơ sở sản xuất. Trong lúc việc phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng chưa rõ ràng, lực lượng Kiểm lâm chưa được tổ chức chặt chẽ đủ sức bảo vệ rừng từ gốc nên dẫn đến tình hình khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép tăng lên nhanh chóng, làm suy thoái tài nguyên rừng một cách đáng kể, đây là giai đoạn mất rừng nhiều nhất, độ che phủ của tỉnh Lạng Sơn năm 1992 chỉ còn 13,9%.
- Giai đoạn từ tháng 5/1994 đến tháng 6/2007: Trong giai đoạn này, lực lượng Kiểm lâm được tổ chức theo Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 1991 và quy định tại Nghị định số 39/NĐ-CP, ngày 18/5/1994 của Chính phủ Quy định hệ thống tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Kiểm lâm. Giai đoạn này Chi cục Kiểm lâm Lạng Sơn là cơ quan trực thuộc UBND tỉnh, trực tiếp quản lý 11 Hạt Kiểm lâm huyện, thành phố; tổng số biên chế toàn Chi cục trong giai đoạn này thời điểm cao nhất là 213 người (trong đó có 57 trình độ Đại học, 103 Trung cấp và 53 sơ cấp, lái xe...); các đơn vị Hạt Kiểm lâm được xây dựng trụ sở làm việc và được trang bị đầy đủ trang thiết bị về vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ, thông tin liên lạc ... Cán bộ, công chức Kiểm lâm thường xuyên được tập huấn nghiệp vụ về pháp chế, điều tra hình sự, võ thuật và các nghiệp vụ trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, giao đất lâm nghiệp, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng và phòng cháy chữa cháy rừng.
- Giai đoạn từ tháng 7/2007 đến tháng 6/2016: Lực lượng Kiểm lâm được tổ chức theo Nghị định số 119/2006/NĐ-CP ngày 16/10/2006 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Kiểm lâm và Thông tư liên tịch số 22/2007/TTLT-BNN-BNV ngày 27/3/2007 của liên Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Nội vụ hướng dẫn về nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Kiểm lâm địa phương. Theo đó, ngày 26/6/2007 UBND tỉnh Lạng Sơn ban hành Quyết định số 1111/QĐ-UBND về việc chuyển giao Chi cục Kiểm lâm tỉnh trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh sang trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn kể từ ngày 01/7/2007. Theo đó, tổ chức bộ máy của Chi cục Kiểm lâm gồm Lãnh đạo Chi cục; 04 Phòng: Phòng Quản lý, bảo vệ rừng; Phòng Thanh tra, pháp chế; Phòng Tổ chức, xây dựng lực lượng; Phòng Hành chính, tổng hợp; 01 Đội Kiểm lâm cơ động và 11 Hạt Kiểm lâm huyện, thành phố (Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Sơn có Trạm Kiểm lâm xã Vũ Lễ; Hạt Kiểm lâm huyện Hữu Lũng có Trạm Kiểm lâm rừng đặc dụng Hữu Liên); Ban Quản lý rừng đặc dụng Mỏ Rẹ và Các Ban quản lý Dự án trồng rừng Việt – Đức; với tổng biên chế là 261 người (trong đó 205 công chức; 14 lao động hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP; 32 lao động hợp đồng theo Nghị định số 44/CP).
Ngày 13/01/2010, UBND tỉnh Lạng Sơn ban hành Quyết định số 68/QĐ-UBND về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Chi cục Kiểm lâm tỉnh lạng sơn. Về tổ chức bộ máy của Chi cục Kiểm lâm gồm: Lãnh đạo Chi cục (Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT kiêm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm); 05 phòng chuyên môn: Phòng Quản lý, bảo vệ rừng; Phòng Thanh tra, pháp chế; Phòng Bảo tồn thiên nhiên (Tuy nhiên Phòng Bảo tồn thiên nhiên vẫn chưa được thành lập); Phòng Tổ chức, xây dựng lực lượng; Phòng Hành chính, tổng hợp; 01 Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR; 11 Hạt Kiểm lâm cấp huyện và 03 Trạm Kiểm lâm trực thuộc Hạt (Trạm Kiểm lâm rừng đặc dụng Hữu Liên trực thuộc Hạt Kiểm lâm Hữu Lũng; Trạm Kiểm lâm Vũ Lễ và Trạm Kiểm lâm Mỏ Rẹ trực thuộc Hạt Kiểm lâm Bắc Sơn). Ngày 13/4/2012, UBND tỉnh Lạng Sơn ban hành Quyết định số 409/QĐ-UBND về việc giải thể Ban Quản lý rừng đặc dụng Mỏ Rẹ - Bắc Sơn; ngày 25/5/2012, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Lạng Sơn ban hành Quyết định số 354/QĐ-SNN về Thành lập Trạm Kiểm lâm Mỏ Rẹ - Bắc Sơn trực thuộc Hạt Kiểm lâm Bắc Sơn, theo đó chuyển giao Ban Quản lý rừng đặc dụng Mỏ Rẹ - Bắc Sơn cho Trạm Kiểm lâm Mỏ Rẹ - Bắc Sơn. Tổng số biên chế của Chi cục Kiểm lâm Lạng Sơn lúc này là 203 người trong đó trình độ đại học 73 người, trung cấp và tương đương là 103 người; sơ cấp là 22 người; trụ sở làm việc của các đơn vị được xây dựng khang trang, cả 11 đơn vị trực thuộc Chi cục được trang bị xe ôtô bằng nguồn đầu tư của tỉnh và Dự án trồng rừng Việt - Đức, Dự án PCCCR… ; các đơn vị đều được trang thiết bị máy móc, công nghệ thông tin phục vụ công tác...
- Giai đoạn từ tháng 7/2016 đến nay: Thực hiện Thông tư Liên tịch số 14/2015/TTLT-BNNPTNT-BNV ngày 25/3/2015 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Nội vụ; Thông tư số 15/2015/TT-BNNPTNT ngày 26/3/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn nhiệm vụ các Chi cục và các tổ chức sự nghiệp trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ngày 11/6/2016, UBND tỉnh Lạng Sơn ban hành Quyết định số 956/QĐ-UBND về việc tổ chức lại Chi cục Kiểm lâm trên cơ sở sáp nhập Chi cục Phát triển lâm nghiệp về Chi cục Kiểm lâm và quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lạng Sơn; theo đó, cơ cấu tổ chức bộ máy của Chi cục Kiểm lâm gồm Lãnh đạo Chi cục; 05 Phòng chuyên môn: Phòng Quản lý bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên; Phòng Thanh tra, pháp chế; Phòng Sử dụng và Phát triển rừng; Phòng Tổ chức, tuyên truyền và xây dựng lực lượng; Phòng Hành chính, tổng hợp; 01 Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR; 11 Hạt Kiểm lâm cấp huyện gồm: Hữu Lũng; Chi Lăng; Bình Gia; Bắc Sơn; Văn Quan; Tràng Định; Văn Lãng; Lộc Bình; Đình Lập; Cao Lộc và thành phố Lạng Sơn; 03 Trạm Kiểm lâm trực thuộc Hạt (Trạm Kiểm lâm rừng đặc dụng Hữu Liên trực thuộc Hạt Kiểm lâm Hữu Lũng; Trạm Kiểm lâm Vũ Lễ và Trạm Kiểm lâm Mỏ Rẹ trực thuộc Hạt Kiểm lâm Bắc Sơn). Đến thời điểm hiện nay, Chi cục Kiểm lâm có có tổng số 186 biên chế công chức (trong đó trình độ thạc sĩ 17 người; đại học 150 người; cao đẳng 02 người; trung cấp 17 người) và 29 lao động hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP của Chính phủ.
Trong quá trình xây dựng và phát triển, mặc dù có nhiều biến động về tổ chức bộ máy, Kiểm lâm Lạng Sơn đã nhiều lần nhập, tách với không ít những khó khăn, phức tạp. Nhưng với lòng nhiệt tình, tư tưởng kiên định vững vàng, tinh thần đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau và đặc biệt là tình yêu với rừng; các thế hệ Kiểm lâm Lạng Sơn đã không ngừng phấn đấu, vượt qua những khó khăn thử thách, hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, khẳng định được vai trò, vị trí quan trọng trong sự nghiệp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh.
Chi cục Kiểm lâm Lạng Sơn dâng hương tại Nhà tưởng niệm Bác Hồ, Khu Di tích K9 – Đá Chông
Lạng Sơn là tỉnh miền núi, biên giới, nằm ở phía Đông Bắc của Việt Nam; phía bắc giáp tỉnh Cao Bằng, phía đông bắc giáp Trung quốc, phía đông nam giáp tỉnh Quảng Ninh, phía nam giáp tỉnh Bắc Giang, phía tây nam giáp tỉnh Thái Nguyên, phía tây giáp tỉnh Bắc Kạn. Diện tích tự nhiên 831.018 ha; hiện nay diện tích rừng và đất lâm nghiệp quy hoạch cho lâm nghiệp 616.995,42 ha, chiếm 74,18% diện tích tự nhiên của tỉnh, trong đó rừng đặc dụng 13.112,69ha, rừng phòng hộ 103.326,077ha, rừng sản xuất 500.547,68ha; diện tích ngoài quy hoạch 3 loại rừng: 82.505,40 ha. Độ che phủ rừng toàn tỉnh năm 2022 là 63,7%.
Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn những năm trước đây, nhận thức cũng như khả năng đầu tư nguồn lực của người dân đối với phát triển kinh tế lâm nghiệp còn nhiều hạn chế, trồng rừng phụ thuộc phần lớn vào ngân sách nhà nước, trong khi đó quản lý, bảo vệ rừng gặp rất nhiều khó khăn trước tình trạng phá rừng, khai thác rừng tự nhiên trái phép; năm 1983, diện tích đất có rừng là 147.611ha, độ che phủ 17,0%; năm 1992, diện tích đất có rừng 123.699ha, độ che phủ rừng rừng 13,9%; đến năm 2000 diện tích rừng chỉ có 280.360 ha, độ che phủ rừng 33,8%; số vụ vi phạm được phát hiện trong giai đoạn 1980-2010 trung bình trên 2.000 vụ/năm. Trước thực trạng đó, từ năm 2000 đến nay, Chi cục Kiểm lâm Lạng Sơn đã tham mưu ban hành 03 Nghị quyết chuyên đề về lâm nghiệp (Nghị quyết số 17 NQ/TU ngày 06/4/2000 của BTV Tỉnh uỷ về phát triển lâm nghiệp Lạng Sơn giai đoạn 2000-2010; Nghị quyết số 29-NQ/TU, ngày 11/10/2011 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển lâm nghiệp tỉnh Lạng Sơn, giai đoạn 2011 – 2020; Nghị quyết số 30-NQ/TU ngày 03/6/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021-2030). Trong từng giai đoạn, các Nghị quyết là các chủ trương lớn, kịp thời, phù hợp với các chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng và tình hình thực tế của tỉnh, là cơ sở để HĐND, UBND tỉnh ban hành, chỉ đạo thực hiện các cơ chế, chính sách, chương trình, dự án lâm nghiệp quan trọng.
Kết quả từ năm 2000 – 9/2022, toàn tỉnh đã trồng trên 250.000 ha rừng, hình thành các vùng nguyên liệu gỗ, lâm sản ngoài gỗ chủ lực của tỉnh như vùng Hồi lớn nhất cả nước với trên 40.000 ha, vùng Thông 137.000 ha, vùng Keo 39.000 ha, vùng Bạch đàn 27.000 ha, vùng Quế 9.000 ha, vùng Sở 3.500 ha, vùng sản xuất cây giống lâm nghiệp (gần 800 cơ sở sản xuất, sản lượng 250-300 triệu cây/năm); tình hình mua bán, vận chuyển lâm sản, chặt phá rừng trái pháp luật giảm rõ rệt (số vụ vi phạm giai đoạn 2000-2010: trung bình 1.647 vụ/năm, giai đoạn 2011-2020: trung bình 429 vụ/năm; năm 2021 còn 192 vụ; 9 tháng đầu năm 2022: 152 vụ); diện tích rừng tự nhiên tăng từ 203.235 ha năm 2011 lên 246.231 ha năm 2022; hiện có 266 cơ sở chế biến lâm sản, một số sản phẩm chủ lực như Hồi, Quế, nhựa Thông đã được chế biến sâu, xuất khẩu sang Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan, Singapore, các thị trường khó tính khác như Châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản.
Đặc biệt từ năm 2020, tỉnh đã triển khai nhiều nội dung mới mang tính đột phá như: thực hiện “Thí điểm cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững trên địa bàn huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn” với 4.600 ha rừng Thông, Keo đã được tổ chức quốc tế GFA cấp chứng chỉ; triển khai các mô hình trồng rừng gỗ lớn (34 ha trên địa bàn huyện Tràng Định, Lộc Bình); thiết lập 05 chuỗi liên kết sản phẩm lâm nghiệp (02 chuỗi sản phẩm Hồi quy mô 700 ha, 02 chuỗi nhựa Thông quy mô 19.200 ha, 01 chuỗi Quế quy mô 300 ha); trồng cây dược liệu 850 ha; triển khai 22 đề tài nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực phát triển lâm nghiệp; tuyên truyền, hỗ trợ nhân dân trồng các loài cây bản địa như Đinh, Lim, Lát, Nghiến, Giổi...; tuyên truyền, vận động thả các loài động vật quý hiếm về môi trường tự nhiên (đến nay Lạng Sơn là một trong 40 địa phương không còn tình trạng nuôi nhốt gấu).
Với những nỗ lực cố gắng như trên, đến hết năm 2021, tỉnh Lạng Sơn có diện tích rừng lớn thứ 7 cả nước: 556.266 ha (năm 2000 là 280.360 ha), tỷ lệ che phủ rừng đứng thứ 4 cả nước: 63,4% (năm 2000 là 33,8%); trồng rừng trước đây phụ thuộc ngân sách nhà nước (80-90%), đến nay còn 20-30%; giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp theo giá thực tế năm 2022 đạt 4.570 tỷ đồng (năm 2010 là 1.149,18 tỷ đồng), trong đó: hoa Hồi đạt 1.739 tỷ đồng, nhựa Thông đạt 1.796 tỷ đồng, cây giống lâm nghiệp đạt trên 250 tỷ đồng…
Hội thi Kiểm lâm địa bàn Giỏi tỉnh Lạng Sơn lần thứ nhất năm 2022
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong thời gian tới, ngành lâm nghiệp tỉnh Lạng Sơn đứng trước những khó khăn thách thức không nhỏ đó là: (1) Yêu cầu về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm gỗ, lâm sản ngoài gỗ, giống cây trồng lâm nghiệp của thị trường trong nước và thế giới ngày càng cao; (2) nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất, rừng sang mục đích khác để thực hiện các chương trình dự án phát triển kinh tế xã hội chung của tỉnh ngày càng tăng; (3) các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp ngày càng tinh vi; tình trạng tranh chấp đất rừng vẫn tiềm ẩn diễn biến phức tạp.
Những vấn đề đó đặt ra yêu cầu ngành lâm nghiệp của tỉnh tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 30-NQ/TU ngày 03/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021- 2030; Quyết định số 234/QĐ-UBND ngày 07/02/2020 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2020-2030, trong đó tập trung thực hiện một số giải pháp cụ thể, đó là: (1) Ban hành, sửa đổi bổ sung một số chính sách hỗ trợ lâm nghiệp của tỉnh; khuyến khích, lựa chọn các doanh nghiệp lớn làm trung tâm liên kết chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực, nhất là sản phẩm xuất khẩu; tăng dần diện tích rừng đạt tiêu chuẩn cấp Chứng chỉ rừng; phát triển vùng trxồng rừng tập trung các loài cây nguyên liệu gỗ và lâm sản ngoài gỗ có thế mạnh của tỉnh và các loài cây gỗ lớn bản địa, cây dược liệu dưới tán rừng; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất cây giống chất lượng cao phục vụ cho trồng rừng. (2) Thực hiện tốt nội dung xây dựng quy hoạch quốc gia về lĩnh vực lâm nghiệp, quy hoạch tỉnh; tăng cường kiểm tra, giám sát việc chuyển mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp sang mục đích khác, kiên quyết không để các tổ chức, cá nhân khi chưa có quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác tác động đến rừng...làm thay đổi hiện trạng đất, hiện trạng rừng. (3) Nâng cao trình độ quản lý nhà nước cho đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật lâm nghiệp các cấp; xây dựng lực lượng Kiểm lâm đủ mạnh để thực thi hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; rà soát các vùng trọng điểm rừng có nguy cơ xâm hại cao; kiểm tra, xác minh, điều tra làm rõ các vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, đảm bảo tính răn đe phòng ngừa; xây dựng kế hoạch giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất để rừng thực sự có chủ; đẩy nhanh thực hiện phương án sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường giao về địa phương quản lý, sử dụng.
Đại hội Chi bộ Chi cục Kiểm lâm nhiệm kỳ 2022 - 2025
Nhìn lại 50 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền địa phương, lực lượng Kiểm lâm Lạng Sơn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, khẳng định được vai trò là lực lượng nòng cốt trong công tác bảo vệ và phát triển vốn rừng. Thế hệ Kiểm lâm Lạng Sơn hôm nay vô cùng tự hào và biết ơn các thế hệ cán bộ, công chức Kiểm lâm đi trước, những chiến sỹ trên mặt trận bảo vệ rừng với bản lĩnh vững vàng, tận tụy, không ngại khó khăn, gian khổ ngày đêm bám rừng để viết nên những trang sử truyền thống của lực lượng Kiểm lâm tỉnh Lạng Sơn./.
Ban Biên tập Chi cục Kiểm lâm Lạng Sơn